Có một Sapa thật lạ!

Những ngày ở nhà giãn cách xã hội vì Covid-19 thế này thật thích hợp để mở file ảnh cũ và ôn lại những kỉ niệm đẹp.

Mình vẫn nhớ mùng 3 Tết năm đó cậu bạn thân dẫn mình đi xem phim ở rạp, trong lúc ngồi đợi đến giờ chiếu phim thì mình cảm thán rằng “Tao muốn đi Sapa quá mày ạ”, bạn mình gật đầu “Tao cũng thế”, vậy là hai đứa quyết định đi thẳng ra ga tàu mua vé, rủ thêm cô bạn thân và em gái mình nữa, buổi chiều 4 đứa xách balo lên đường. Một chuyến đi không hề có kế hoạch trước, cứ đi là đi thôi, vậy mà đó lại là một kỉ niệm thật đẹp mà chúng mình nhớ mãi, để rồi bây giờ mỗi đứa sống ở một đất nước, một châu lục khác nhau nhưng mỗi lần nhắc lại chuyến đi đó đều có thể cùng nhau mỉm cười.

Sapa ngày ấy còn hoang sơ lắm…

Hoa đào nở rộ trên núi Hàm Rồng. Chúng mình dành trọn ngày đầu tiên để lang thang quanh thị trấn, đến nhà thờ đá, leo núi Hàm Rồng.
Biểu tượng của núi Hàm Rồng là ngọn núi có hình cá heo phía xa. Đường đi lên núi trồng nhiều hoa đào, mùa xuân hoa nở rất đẹp.
Nhà thờ đá Sapa xây dựng từ năm 1895, nằm ở trung tâm thị trấn, đây được coi là công trình mang dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại.
Các bạn người dân tộc múa khèn vào buổi tối cuối tuần ở sân nhà thờ đá.
Ngày thứ hai, tụi mình thuê xe máy để đi thác Bạc và thác Tình Yêu. Tuy nhiên cô bạn quen trên chuyến tàu hôm trước đã dẫn tụi mình đi qua những cung đường đèo quanh co này và lạc đường sang tận Lai Châu. 😅
Đi khoảng mấy chục kilomet đường đèo thì xe mình gần hết xăng, may sao sang địa phận Lai Châu gặp được một nhà dân bên đường, tuy không hiểu tiếng địa phương nhưng mình cũng thở phào nhẹ nhõm khi mua được một ít xăng đủ để quay trở về.
Con đường từ Lào Cai sang Lai Châu có rất nhiều cảnh đẹp, và tụi mình không hề hối hận vì đã đi lạc. Vượt qua nỗi lo lắng ban đầu khi đi trên con đèo Ô Quy Hồ vắng vẻ – một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam – thì chúng mình bắt đầu tận hưởng cảnh đẹp trên đường đi. Đây là một căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa lưng chừng đèo, xung quanh là những thửa ruộng bậc thang xếp tầng cao thấp.
Ngôi nhà nhỏ, rau cải Mèo được trồng cạnh lối đi. Mình nghiện món cải Mèo cuộn thịt bò nướng thơm nức mũi bắt đầu từ chuyến đi này nên đã nhất định tìm mua hạt cải Mèo đem về nhà trồng. 😀
Một ngôi nhà xinh xắn nữa trên đường đi. Mái nhà tranh nên thơ giữa cảnh sắc núi rừng Tây Bắc.
Cánh cổng hoa tầm xuân mang mùa xuân về đến ngõ.
Mình đặc biệt thích ngôi nhà này vì nó rất giống với bức tranh ghép 1000 miếng của mình. Ngôi nhà nhỏ yên bình nằm lẩn khuất giữa một rừng hoa đào mùa xuân.
Khói lam chiều
Ngõ nhỏ, lối nhỏ
Buổi chiều hôm đó cả đám rủ nhau đi bãi đá cổ và cầu Mây. Cảnh nước đổ trên đường vào bãi đá cổ.
Nước đổ trên ruộng bậc thang
Đường vào bãi đá cổ
Bãi đá cổ có nhiều tảng đá to nhỏ với những hình thù kì bí được khắc sâu trên bề mặt. Người dân địa phương cho rằng đây là những lời nguyền do tổ tiên để lại. Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể khám phá được hết ý nghĩa của những kí tự lạ này.
Ruộng bậc thang trên đường vào bãi đá cổ – thung lũng Mường Hoa
Một nhà hàng nhỏ xinh ở phố Cầu Mây – con phố sầm uất bậc nhất tại thị trấn Sapa.
Ngày thứ ba nhóm mình đi vào bản Cát Cát. Trên đường đi gặp một bạn người dân tộc thiểu số đang ngồi bế con, hỏi ra mới biết bạn ấy mới có mười mấy tuổi, nghe thấy buồn!
Trên đường vào bản các bạn có thể mua một ít bánh kẹo để làm quà cho các em nhỏ. Việc cho tiền thì mình không khuyến khích vì bây giờ hình ảnh các em nhỏ chạy theo xin tiền du khách ở một số điểm du lịch trở nên đáng suy ngẫm lắm.
Trên đường vào bản Cát Cát
Cối giã gạo
Lợn đi bộ – thảo nào thịt lợn bản lại ngon hơn hẳn lợn dưới xuôi. 😀
Mùa xuân không chỉ có hoa đào nở rộ mà hoa mơ, hoa mận cũng nở trắng trời Tây Bắc.
Bản Cát Cát
Đến Sapa bạn có thể mua một số sản vật địa phương đem về làm quà. Cậu bạn thân đang chọn đồ thổ cẩm dệt bằng tay với những hoa văn độc đáo.
Đến Sapa ăn gì? Chắc chắn bạn phải một lần ngồi ở sân nhà thờ đá buổi tối, trong cái lạnh co ro nhâm nhi mấy món thịt nướng, trứng nướng, cơm lam… nhé.
Buổi sáng bạn hãy thử vào chợ Sapa ăn một đĩa bánh cuốn nóng hổi, sau đó đi lòng vòng tìm hiểu thêm về văn hóa của người dân bản địa.
Hôm sau bạn có thể đổi món bằng cháo cá hồi vào bữa sáng, cũng thơm ngon và ấm bụng lắm.
Đến tối thì nhớ ngồi cùng nhau bên nồi lẩu cá hồi, sẽ tuyệt lắm đấy. Cá hồi là đặc sản ở đây mà.
Ăn lẩu xong thì chọn một quán cà phê thật đẹp ở phố Cầu Mây để nghỉ ngơi hoặc nếu thấy đau chân sau ngày dài đi bộ thì bạn có thể đi massage chân bằng lá thuốc của người Dao – bạn mình bảo dễ chịu lắm.

Sau chuyến du lịch bằng tàu hỏa không thể quên này thì vài năm sau đó mình đã quay trở lại Sapa, nhưng mà Sapa lạ lắm, chẳng còn hoang sơ, tĩnh lặng như ngày đầu mình đến nữa, cả thị trấn như một đại công trường, những công trình mới mọc lên khiến mình chẳng thể nhận ra, và thấy hơi buồn.

Lần trở lại mình đến vào mùa hè, nước về cây cối tươi xanh hơn. Đây là một góc của bản Cát Cát.
Lần thứ hai mình đến Sapa là lúc vừa khánh thành tuyến cáp treo Fansipan – cáp treo 3 dây dài nhất thế giới, mình đã đi thử để trải nghiệm.
Mây vờn núi – ảnh chụp từ đỉnh Fansipan, nóc nhà Đông Dương.
Mình còn một lời hẹn với những bản làng Sapa vào mùa lúa chín. Đợi hết dịch mình sẽ lại xách balo và lên đường.

Nhớ Sapa và nhớ các bạn tôi thật nhiều! ❤️

 

© Copyright by dieugiandi.vn (do not reup)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.