Nhật kí sinh viên y (phần 3)

Sinh viên năm thứ 3…

Với chúng nó, năm 3 chứa đựng nhiều mồ hôi và cả những giọt nước mắt nữa.

Nó vẫn nhớ những ngày đầu tiên đến viện, sao cái gì cũng lạ lẫm, cái gì cũng mới mẻ, cái gì chúng nó cũng ngơ ngác.
Nó nhớ cảm giác háo hức chừng nào khi lần đầu được làm thủ thuật trên người bệnh. Nhớ mũi tiêm đầu tiên, hồi hộp và lo lắng, tay nó run lập cập, thế nhưng, các anh chị ở viện giúp đỡ nó nhiệt tình lắm, bạn bè động viên nó, nhiều người bệnh tốt bụng còn cổ vũ nó nữa cơ, nhờ vậy mà nó tự tin hơn từng ngày. Mỗi lần được người bệnh khen nó lại cảm thấy vui vui, tự hào và có thêm động lực để cố gắng. Cảm ơn các anh, các chị, các bạn, cảm ơn những người bệnh thân yêu, cảm ơn những thầy cô không đứng trên bục giảng nhiều thật nhiều!

Năm 3 còn gắn với những đêm dài đi trực. Sinh viên đi trực mà ba lô tay xách nách mang: nào là mũ, áo, khẩu trang, ống nghe, huyết áp; nào là sách vở bút thước để viết giao ban; nào là khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng, lược chải đầu; ai chu đáo hơn thì có thêm xilitol, nước uống, đồ ăn đêm,… cả chăn để chống rét và chống muỗi nữa, cô bạn nó lại còn “không có gối tớ không ngủ được”… Thôi thì, đủ thứ phụ kiện. Trông chúng nó có khác nào mấy ông bà Tây ba lô đi du lịch đâu cơ chứ.

Chắc chắn nó sẽ mãi không quên những đêm trực thao thức trên bàn, trên ghế. “Giường” có khi chỉ là mấy cái ghế nhỏ nhỏ kê sát nhau, đêm mùa đông buốt giá gió lùa tứ phía. Nó nhớ, nó và cô bạn thân vẫn thường chia nhau mảnh chăn đắp chung, thường nhỏ to thì thầm những câu chuyện không đầu không cuối suốt đêm dài để nó nhận ra rằng bên cạnh vẫn có một người luôn sát cánh và “đồng cam cộng khổ” cùng nó. Nó nhớ những đêm thức trắng vì phải đi chuyển bệnh nhân liên tục; giữa đêm khuya, hai đứa co ro trong manh áo mỏng, bầu bạn với tiếng cót két… cót két… của chiếc giường đã cũ. Lạnh thật và cũng “ấm” thật.

Nó nhớ những ngày thực tập ở khoa Hồi sức Nội, nó liên tục phải chứng kiến cảnh nhiều người bệnh trong khoa bị COPD nằm thoi thóp với máy thở, hầu hết họ đều có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào. Nhưng đến tận bây giờ nó vẫn bị ám ảnh về một ông cụ bị tắc nghẽn phổi. Bệnh tình của ông khi đó rất nặng nên phải mở khí quản cho ông thở máy. Và ông, vì đau, vì khó chịu nên liên tục lấy tay rút ống, đến nỗi nhân viên y tế phải buộc tay ông vào hai bên thành giường. Hôm ấy, đúng lúc nó đến bên giường ông thì… ông khóc…, trong cái nỗ lực hết sức còn lại ông thều thào “Giúp ông…”. Nó ư? “Giúp ông” tháo ống ư? Giúp người hay là giết người? Cùng với cái mớ cảm xúc hỗn độn lúc ấy nó chỉ biết lặng người nhìn ông, nói đôi ba câu động viên an ủi. Và… chẳng bao lâu sau đó, ông đã ra đi mãi mãi… nhưng hình ảnh của ông ngày hôm ấy, cái khoảnh khắc nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt gầy guộc ấy, mãi mãi… mãi mãi… nó sẽ không quên được…
Nó ghét thuốc lá, ghét vô cùng!.
Mỗi khi chứng kiến bạn bè hút thuốc, nó lại sợ lắm…
Thuốc lá không giết chết bạn ngay tức khắc nhưng lại hủy hoại cơ thể từng ngày, từng giờ. Và rất có thể, sau này, khi bạn đang có một cuộc sống sung túc bên những người thân yêu nhất thì tử thần sẽ đến và cướp bạn đi vì món nợ với thuốc lá ngày còn trẻ vào đúng cái lúc mà bạn khao khát được sống để che chở cho họ nhất. Bạn đã một lần thử nghĩ chưa?

Ngày học Sản, nó được tận mắt nhìn thấy sự ra đời của những sinh linh bé nhỏ, đáng yêu; sự dũng cảm và nỗ lực của những bà mẹ trẻ. Lần đầu tiên, nó thấy người ta đến viện vì niềm hạnh phúc chứ không đau buồn, không nhăn nhó vì bệnh tật.
Học Sản, nó cũng không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh những người phụ nữ nỡ bỏ đi những sinh mệnh nhỏ nhoi khi chúng chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Đáng giận và đáng trách!

Cũng những ngày đi lâm sàng ở viện, nó càng thêm cảm thông với những con người bất hạnh, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận. Nó nhận ra: “Cuộc đời mỗi người là một miếng ghép hình có màu sắc khác nhau”:

Nó nhớ…
Một người bệnh vào viện vì chấn thương sọ não, các nhân viên y tế đã cố gắng hết sức nhưng đêm đó ông được trả về vì không còn cơ hội sống nữa. Nghe người vợ trẻ khóc chồng mà nó và cô bạn không sao cầm lòng được. Việc duy nhất chúng nó có thể làm cho họ lúc đó là đứng bên giường bóp bóng ambu để duy trì nhịp thở cho ông ấy trong thời gian ngắn ngủi còn lại. Người chồng ra đi để lại cô vợ trẻ với ba đứa con thơ và khoản viện phí không nhỏ…

Nó nhớ…
Một phụ nữ trẻ 22 tuổi mang bầu 6 tháng bị ung thư máu. Chị ấy sợ tiêm lắm, hôm nào cũng kêu la ầm ĩ cả bệnh phòng. Chị ấy nói rằng khi nào khỏi bệnh ra viện “sẽ không bao giờ gặp lại” chúng nó nữa. Nhưng… hi vọng… đứa con xấu số kia kịp ra đời trước khi mẹ nó lìa đời… Đã mấy lần nó bắt gặp người chồng trẻ đứng khóc ngoài hành lang, “Còn cách nào để cứu sống người vợ yêu quý được không?”…

Nó nhớ…
Một thầy giáo già bệnh nặng phải nằm viện nhiều năm nay, đến nỗi cơ thể ông bị loét rất nặng. Người vợ hiền vẫn ngày ngày chăm nom ông không biết mệt mỏi. Có lần, bà đã dùng miệng của mình hút đờm dãi cho chồng mà không cần tới máy móc của bệnh viện. Nó ngưỡng mộ họ lắm! Người thầy giáo ấy thật may mắn vì có một người vợ hết lòng yêu thương chồng như vậy…

Nó nhớ…
Một người bệnh trung tuổi nhập viện vì ngộ độc thuốc chuột. Dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn tận tình của “anh thầy giáo”, lần đầu tiên nó được làm thủ thuật đặt sonde dạ dày, rửa dạ dày, rồi tiêm truyền trên một bệnh nhân cấp cứu. Cảm giác khi đó sao mà vui và hạnh phúc thế. Cảm ơn sự tin tưởng và giúp đỡ của “thầy” nhiều nhiều lắm…

Mỗi người đều có một cuộc đời, một số phận khác nhau. Họ khiến nó phải suy nghĩ nhiều hơn, nghĩ về sự sống và cái chết. Nhanh lắm, đời người chỉ mấy chục năm mà thôi. Trước đây, nó tưởng rằng những suy nghĩ ấy chỉ dành cho những người đã cận kề cái chết; nhưng không, giờ đây nó đang hiện hữu trong đầu một sinh viên trẻ tuổi. Nó khiến cô bé ấy biết trân trọng cuộc sống nhiều hơn.

Khi còn nhỏ, nó thường ngồi 1 mình và lẩm nhẩm phép tính rõ dài và rắc rối: này nhé, 1 năm có 12 tháng, 1 tháng có 30 ngày, 1 ngày có 24h, 1 giờ lại có 60 phút, 1 phút thì có đến 60 giây,… Nhiều như thế thì sống mãi cũng chẳng hết được. Và chưa bao giờ nó tính ra cái kết quả dài thật dài ấy. Từ trước tới nay, nó tự cho mình cái quyền chưa phải lo cho cuộc sống, tự thấy mình vẫn còn trẻ. Liệu có phải đã đến lúc cần phải “già” hơn chút, cần suy nghĩ chín chắn hơn chút chưa nhỉ?
Có một câu nói mà nó rất tâm đắc thế này: “Hãy mơ điều bạn thích mơ, hãy đi nơi bạn thích đi, hãy trở thành người mà bạn muốn trở thành, bởi vì, ta chỉ có một cuộc đời và một cơ hội để thực hiện tất cả những gì ta mong muốn trong cuộc đời ấy”…

Năm 3, nó học được nhiều thứ nhất và cũng dành nhiều thời gian cho việc học nhất. Đã có lúc, sáng học, chiều học, đêm trực mà vẫn đều đặn tới lớp học thêm 6 buổi tối 1 tuần.

Cảm giác sống và làm được nhiều việc mới tuyệt làm sao!!!

(Còn tiếp)

 

Bài viết xin phép sử dụng hình ảnh đẹp của các nhân viên y tế trong những ngày chiến đấu với đại dịch Covid-19

© Copyright by dieugiandi.vn (do not reup)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.