Kinh nghiệm du lịch Ninh Bình

“Non nước hữu tình quê mình xinh đẹp quá” – câu hát này chắc hẳn nên dành cho Ninh Bình vì đi đến địa điểm nào trong hành trình mình cũng cảm nhận được nét xinh đẹp đó.

Mình đã đi Ninh Bình như thế nào? Để mình review cho các bạn nhé!

1. Thời gian nên đi Ninh Bình

  • Bạn có thể đi Ninh Bình bất kì thời điểm nào trong năm, tuy nhiên theo mình bạn nên đi vào tháng 5 đến tháng 6 – mùa lúa chín và hoa sen nở rộ, hoặc mùa thu, thời tiết mát mẻ, lá cây đổi màu, mặt nước phẳng lặng, chim chóc về nhiều cũng thích hợp để đến nơi này lắm.

2. Phương tiện di chuyển

  • Ninh Bình nằm cách thành phố Hà Nội và Hải Phòng khoảng 100km, bạn có thể đặt xe limousine đón trả tận nơi hoặc đến bến xe để đi xe khách. Vì không đặt được xe limousine nên mình đã đi xe khách, xe chạy êm 2,5 tiếng đến nơi.
  • Ngoài ra bạn cũng có thể đi tàu hoả từ Hà Nội đến Ninh Bình hoặc đi bằng xe máy.
  • Di chuyển ở Ninh Bình:  mình thuê xe máy tại homestay giá 100k/ 1 ngày, tự đổ xăng.

3. Nơi ở tại Ninh Bình

  • Ninh Bình có nhiều nhà nghỉ, khách sạn, homestay với các mức giá khác nhau cho các bạn lựa chọn tùy vào nhu cầu. Vào dịp cuối tuần hoặc mùa cao điểm bạn nên đặt phòng trước nhé!
  • Mình muốn chụp ảnh hoa sen ở hang Múa vào buổi sáng sớm nên đã chọn Hang Mua Central Homestay, cách hang Múa 400m, giá cả phải chăng, có 3 loại phòng giá ngày thường là 220k, 320k và 420k bao gồm bữa sáng. Ở đây bạn có thể đặt bữa ăn, thuê trang phục và thuê xe máy hoặc xe đạp để di chuyển. Anh chị chủ homestay thân thiện, dễ mến lắm.
  • Tuỳ vào lịch trình các bạn cũng có thể chọn ở khu vực Tam Cốc hoặc thành phố Ninh Bình sẽ nhộn nhịp hơn.
Một bữa sáng tại homestay do anh chị chủ nhà chuẩn bị

4. Ăn gì ở Ninh Bình

  • Dê núi là món đặc sản ở Ninh Bình, mình đã ăn ở nhà hàng Chính Thư (cách hang Múa khoảng 3km) – đây là quán dê nổi tiếng, buổi trưa có rất nhiều đoàn xe du lịch đến đây để thưởng thức thịt dê. Cá nhân mình thấy thịt dê mềm, thơm, chế biến hợp khẩu vị.
  • Cơm cháy cũng là món ăn nổi tiếng ở Ninh Bình mà các bạn có thể mua về làm quà.
Dê xào xả ớt và dê nướng tảng

5. Lịch trình du lịch Ninh Bình 3 ngày 2 đêm

Ngày 1: Tam Cốc – Bích Động – Thung Nham

  • 7h đi ô tô đến Ninh Bình.
  • 10h ăn trưa, check in homestay, nghỉ ngơi.
  • 14h thuê xe máy tại homestay đi Tam Cốc, Bích Động (7km).
  • 17h từ Bích Động đi vườn chim Thung Nham (5km).
  • 19h30 ăn tối, về phòng nghỉ.

Ngày 2: Hang Múa – đầm Vân Long – phố cổ Hoa Lư

  • 7h ăn sáng, đi hang Múa, chụp ảnh hoa sen.
  • 11h ăn trưa, về phòng nghỉ ngơi.
  • 15h đi đầm Vân Long (22km).
  • 18h đi phố cổ Hoa Lư ở Tràng An (17km), ăn tối.
  • 21h từ phố cổ Hoa Lư về homestay (5km).

Ngày 3: Cố đô Hoa Lư – động Am Tiên (Tuyệt Tình Cốc)

  • 7h ăn sáng, đi cố đô Hoa Lư, động Am Tiên (8km).
  • 11h ăn trưa, nghỉ ngơi.
  • 13h lên ô tô trở về.

Lần trước đến Ninh Bình mình đã đi Tràng An, chùa Bái Đính và nhà thờ đá Phát Diệm nên lần này mình chọn các địa điểm khác. Các bạn có thể tham khảo những địa điểm dưới đây để thêm vào lịch trình của mình cho phù hợp nhé!

6. Địa điểm du lịch tại Ninh Bình

6.1. Khu du lịch Tràng An

  • Khu du lịch Tràng An là địa điểm trung tâm trong quần thể danh thắng Tràng An. Có 3 tuyến du lịch bằng thuyền thời gian từ 2,5 đến 3,5 tiếng qua nhiều hang, đền và phim trường Kong – Skull Island. Tràng An được ví như “Hạ Long trên cạn” với không gian xanh mát, tĩnh lặng, non nước hữu tình.
  • Giá vé đi thuyền tại Tràng An là 250k/ người lớn, 120k/ trẻ em.
Cửa hang hình trái tim ở Tràng An

6.2. Chùa Bái Đính

  • Chùa Bái Đính được mô tả là “Vẻ đẹp hùng vĩ chốn thanh yên”, đây là ngôi chùa rộng lớn giữ nhiều kỉ lục Việt Nam và châu Á.
  • Trên đường lên chùa Bái Đính mới các bạn nên vào thăm chùa Bái Đính cổ, ở đây có hang động với những khối thạch nhũ đẹp mắt.
  • Chùa Bái Đính vào cửa miễn phí tuy nhiên bạn có thể đi xe điện (60k/ vé khứ hồi) vì quãng đường lên chùa khá xa.
Chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính cổ

6.3. Hang Múa

  • Khu du lịch hang Múa có nhiều địa điểm tham quan với hang động, đỉnh núi Ngọa Long và đầm sen rộng ngay dưới chân núi. Nơi này được gọi là “Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam” vì bạn sẽ phải leo 500 bậc thang từ chân núi lên đến đỉnh Ngọa Long, tuy nhiên view cảnh non nước nên thơ và những cánh đồng lúa chín nhìn từ đỉnh núi chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
  • Vé vào cửa Hang Múa: 100k/ người.
Đường lên đỉnh Ngọa Long – hang Múa

6.4. Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động

  • Tam Cốc có nghĩa là ba hang, gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba. Bạn nên đến Tam Cốc vào mùa lúa chín để thưởng lãm bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp được tô vẽ bởi mẹ thiên nhiên và bàn tay của những người nông dân chăm chỉ, cần cù. Tour đi thuyền ở Tam Cốc sẽ đưa bạn qua ba hang sau đó quay trở về bến. Vì muốn ngắm nhìn view cánh đồng lúa chín đẹp nhất ở Tam Cốc nên mình đã gửi chú lái thuyền thêm 100k để chú ấy dừng thuyền ở địa điểm có đường leo lên đỉnh núi, vé tại địa điểm này là 20k/ người.
  • Vé tham quan Tam Cốc 120k/ người và vé đi thuyền 150k/ 1 thuyền 4 người Việt Nam hoặc 2 người nước ngoài.
  • Bích Động nằm cách Tam Cốc khoảng 3km, là một hệ thống chùa và hang, miễn phí vé vào cửa.
Khu du lịch Tam Cốc
Bích Động

6.5. Khu du lịch sinh thái Thung Nham

  • Đến khu du lịch sinh thái Thung Nham bạn có thể dành một buổi để tham quan các hang động, vườn trái cây, vườn hoa, … và đặc biệt nhất là vườn chim Thung Nham. Đây là nơi cư ngụ của nhiều loài chim, hạc quý hiếm. Bạn nên đến vườn chim vào khoảng 17h, lúc này từng đàn chim về tổ bay liệng tạo nên khung cảnh vô cùng lý thú.
  • Vé vào khu du lịch Thung Nham là 150k/ vé (bao gồm tất cả các địa điểm tham quan tại đây). Nếu không muốn đi bộ bạn có thể thuê xe điện giá 20k/ 1 chiều.
Vườn chim Thung Nham

6.6. Đầm Vân Long

  • Đầm Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất miền Bắc với nhiều loài động thực vật phong phú. Nếu may mắn bạn có thể bắt gặp các cá thể voọc mông trắng trên các dãy núi đá vôi. Nơi này còn được gọi là vịnh không sóng, mặt nước phẳng lặng như tấm gương khổng lồ. Đây thực sự là địa điểm nên đến nếu bạn yêu thích vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ.
  • Vé tham quan đầm Vân Long là 120k/ người.
Đầm Vân Long

6.7. Địa điểm khác

Ngoài ra còn rất nhiều địa điểm nổi tiếng ở Ninh Bình như:

  • Cố đô Hoa Lư
  • Động Am Tiên (Tuyệt Tình Cốc)
  • Rừng quốc gia Cúc Phương
  • Nhà thờ đá Phát Diệm
  • Đồi dứa Tam Điệp
  • Đồng cừu Gia Hưng
  • Thung Nắng, …
Nhà thờ đá Phát Diệm

6.8. Các cụm điểm du lịch

Dưới đây là gợi ý một số cụm điểm du lịch trên cùng tuyến đường mà bạn có thể tham khảo tùy theo thời gian lưu trú:

  • Ngày 1: Tràng An – Động Am Tiên (Tuyệt Tình Cốc) – Cố đô Hoa Lư – Chùa Bái Đính
  • Ngày 2: Hang Múa – Tam Cốc – Bích Động – Thung Nham
  • Ngày 3 – 4: Đầm Vân Long, Nhà thờ đá Phát Diệm, Rừng Quốc gia Cúc Phương – 3 địa điểm này ở xa hơn nhưng bạn nên đi nếu có thời gian nhé.
Bản đồ du lịch Ninh Bình khu vực Cố Đô Hoa Lư. Nguồn: trippy
Bản đồ du lịch Ninh Bình khu vực ngoại ô. Nguồn: trippy

7. Một số lưu ý khi đến Ninh Bình

  • Nếu đến Ninh Bình bằng xe máy bạn cần mang theo đầy đủ giấy tờ và chấp hành đúng luật giao thông.
  • Nên xem dự báo thời tiết trước khi đi để tránh gặp mưa vì ở các điểm du lịch bạn sẽ di chuyển chủ yếu bằng thuyền và leo núi.
  • Đi giầy thể thao hoặc dép sandal.
  • Nếu đi vào mùa lúa chín (tháng 5,6) thì nhớ đem theo kem và mũ áo chống nắng. Bạn có thể mua nón ở các điểm du lịch để đội vừa tránh nắng, vừa chụp ảnh rất hợp cảnh nữa.
  • Ở Ninh Bình có nhiều tiệm cho thuê trang phục váy áo vintage nên các bạn nữ chỉ cần mang theo một tâm hồn đẹp đến Ninh Bình là có thể có những bộ ảnh đẹp mang về rồi.
  • Ngoài đi trong thành phố thì di chuyển giữa các điểm tham quan vào buổi tối đường rất tối và ít đèn. Hãy sắp xếp lịch trình di chuyển cho phù hợp bạn nhé.

Trên đây là một số kinh nghiệm nho nhỏ trong chuyến đi Ninh Bình của mình, mong rằng sẽ có ích cho bạn.

Chúc các bạn một chuyến đi vui vẻ và đem về thật nhiều bình yên!

Ninh Bình – 10 năm ngày trở lại

 

© Copyright by dieugiandi.vn (do not reup)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.