Cây thốt nốt trái tim – cánh đồng Tà Pạ, Tri Tôn, An Giang. Ngày lễ đặc biệt như hôm nay bỗng dưng làm mình nhớ đến đoạn video này – một góc khung cảnh bình yên của làng quê Việt Nam.
“Có ai về An Giang coi cây lúa trổ bông, có ai về An Giang coi khoai sắn đầy đồng…”, còn mình về An Giang để coi rừng tràm Trà Sư, coi cây thốt nốt trái tim và thưởng thức nhiều món đặc sản của miền đất hiền hòa này.
1. Di chuyển:
An Giang nằm cách thành phố Cần Thơ chừng hơn 100km, mình di chuyển bằng ô tô từ Cần Thơ đến thành phố Châu Đốc vào một buổi chiều đầy nắng.
2. Về An Giang thời gian nào?
Bạn nên đi mùa nước nổi khoảng từ tháng 8 đến tháng 10, đúng mùa thì cảnh vật đẹp hơn và sản vật cũng phong phú, tuy nhiên mình lại chọn đi vào những ngày hè tháng 5, những con kênh con rạch chưa nhiều nước để lột tả được hết vẻ đẹp của vùng đất này, nhưng với mình mọi thứ vậy là đủ để nhớ về An Giang thật lâu rồi.
3. Về An Giang đi đâu?
3.1. Rừng tràm Trà Sư: Địa điểm đầu tiên trong hành trình mà mình muốn đến là rừng tràm Trà Sư – nơi bảo tồn rất nhiều loài động thực vật quý hiếm. Buổi sáng mình dậy thật sớm thuê xe máy, bật google map và đi khoảng 30km từ thành phố Châu Đốc là tới rừng tràm Trà Sư. Mấu chốt ở chỗ đi theo google map đó các bạn, map chỉ cho mình qua đoạn đường trải nhựa bon bon đến con đường đất nho nhỏ chạy qua mấy khu làng nho nhỏ. Càng đi càng giống đường về thăm quê hơn là đến khu du lịch nổi tiếng, đường vắng tanh, rợp cây xanh, chim hót líu lo, thỉnh thoảng trên đường có mấy em bé hoặc mấy cô bác người dân nhìn theo tụi mình mỉm cười làm mình càng thêm phần hồi hộp lo lắng, nhưng mà anh google ảnh bảo đúng nên mình cứ đi :)). Nếu bạn muốn trải qua cảm giác giống như mình thì đi theo google map, cuối cùng vẫn tới nơi, còn ko thì cứ bật định vị rồi chạy thẳng đường nhựa hoặc hỏi thêm người dân bên đường, đi vèo cái là đến.
Tụi mình là những người đầu tiên mua vé lên thuyền, đoạn xuồng máy chạy chỉ chừng 10 phút là tới nơi nên dù còn đang choáng ngợp thích thú ngắm nhìn cảnh vật thì bạn cũng nhớ chụp hình dần đi kẻo lại tiếc nuối nhé. Đoạn đường này cho mình cảm giác như đi lạc vào rừng rậm Amazon vậy, hơi có chút phiêu lưu.
Sau 10 phút đầu tiên đi xuồng máy, tụi mình lên bờ để tiếp tục đi xuồng lá, đoạn này sẽ chậm rãi thong dong hơn, các cô các chị chèo thuyền một vòng quanh khu rừng, bạn có nhiều thời gian để ngắm nhìn các thảm thực vật phong phú, hít hà mùi thơm của cây tràm, chim chóc bay liệng hót líu lo.
Sau khi thăm thú một vòng, tụi mình trở lại bờ và di chuyển đến đài quan sát, từ đây bạn có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn toàn bộ cảnh quan của rừng tràm Trà Sư, một màu xanh mướt ngút ngàn bao phủ, xa hơn chút bạn sẽ thấy khu bảo tồn các loài chim, cảm giác thật vô cùng vô cùng bình yên.
3.2. Cánh đồng Tà Pạ – Tri Tôn: Địa điểm tiếp theo mình tới trong hành trình là cánh đồng Tà Pạ ở Tri Tôn, nơi đây nổi tiếng với cây thốt nốt trái tim (cụm 7 cây thốt nốt được trồng tự nhiên ghép lại thành hình trái tim).
Từ rừng tràm Trà Sư bạn chạy xe máy chừng hơn 20km nữa theo hướng Tri Tôn là tới. Càng vào sâu các làng của người Khơ Me đường hơi khó đi chút, nhưng thay vào đó bạn sẽ thấy rất nhiều ngôi chùa với kiến trúc đặc trưng (nếu có nhiều thời gian bạn nên ghé thăm) và tất nhiên không thế thiếu cây thốt nốt được trồng khắp nơi.
Tìm đường tới cụm cây thốt nốt trái tim nổi tiếng như sau: từ đường Tri Tôn đi Tức Dụp, đối diện ủy ban nhân dân xã An Tức, bạn nhìn thấy trạm phát sóng điện thoại, có biển chỉ dẫn đi vào đường hẻm ra đồng là tới. Thời điểm mình đến cụm cây thốt nốt đã bị tỉa bớt lá, không rõ là do cây bị sâu lá hay do dân tình kéo đến check in xả rác bừa bãi, nhưng nếu bạn đặt chân đến, được ngắm nhìn một nơi yên bình thế này thì hãy nhớ giữ gìn nó nhé. Với mình thì nơi này vẫn thật đẹp, mình gọi nó là cây thốt nốt trái tim tan vỡ. 😀
Cũng trên cánh đồng Tà Pạ, ở đường đi ra từ cụm cây thốt nốt trái tim nhìn bên trái bạn sẽ thấy cây thốt nốt cô đơn. Cây này là mình tự đặt tên do mình thấy nó đứng bơ vơ quá. Gần đó, có chùa Tà Pạ cũng rất nổi tiếng, các bạn nhớ ghé qua. Hôm mình đến đúng ngày lễ hội, các loại phương tiện từ khắp nơi đổ tới tắc đường quá nên mình không vào chùa được.
4. Về An Giang ăn gì?
4.1. Cháo bò rừng tràm Trà Sư: Mình vẫn nhớ mãi vị thơm ngọt của bát cháo bò ở cổng rừng tràm Trà Sư, giá 15k/ 1 tô. Đây thực sự là bát cháo bò ngon nhất Việt Nam mà mình từng ăn. Mỗi sáng cô chủ dễ thương đều nấu một nồi cháo lớn, bán nhanh hết lắm.
4.2. Nước quả thốt nốt: Đến vùng đất đặc trưng là thốt nốt thì nhất định phải uống thử nước quả thốt nốt rồi. Hôm ấy mình đi từ sáng sớm, tới cổng rừng tràm ăn bát cháo bò, rồi tráng miệng bằng cốc nước thốt nốt ngọt thanh, cùi giòn sần sật, thật hài lòng lắm luôn. Trên đường về có bán rất nhiều bánh bò thốt nốt và đường thốt nốt, bạn có thể mua về làm quà, đường thốt nốt nấu chè giải nhiệt mùa hè thơm ngon lắm.
4.3. Bao tử cá tra, basa chiên giòn: Nếu bạn thích ăn vặt giống mình thì mình gợi ý cho các bạn một món ăn khá vui miệng là bao tử cá tra, cá basa tẩm bột chiên giòn ở đường Lê Lợi, thành phố Châu Đốc, 20k/100g.
4.4. Lẩu mắm cá kèo: Một trong những món ăn đặc trưng của miền Tây là lẩu mắm nên buổi tối mưa gió mình vẫn quyết đội mưa đi ăn thử. Bạn nào thích các loại mắm thì ăn chắc sẽ thích, còn mình, mình chỉ thích cá kèo thôi chứ mình lại không khoái nước lẩu mắm cho lắm. Địa chỉ lẩu mắm cá kèo mình ăn ở đường Trương Nữ Vương, 250k/ nồi 2 người.
4.5. Các loại trái cây: Về miền Tây thì nhất định phải ăn hoa quả rồi, đủ loại trái cây tươi ngon, lần nào đi miền Tây mình cũng ăn, ăn hàng ngày, mà mỗi ngày còn ăn mấy bữa hoa quả liền. 😀
An Giang yên bình vậy đó, nếu bạn đã quá mệt mỏi với những ồn ào bon chen nơi phố thị thì đây là một nơi rất đáng để ghé thăm đấy.
Càng đi nhiều tớ lại càng thấy yêu hơn quê hương đất nước mình. :3
© Copyright by dieugiandi.vn (do not reup)
It’s going to be finish of mine day, except
before end I am reading this impressive article
to improve my knowledge.
❤️