Hôm nay là ngày Thầy thuốc Việt Nam, tự nhiên thấy nhớ bạn bè, thầy cô, mái trường xưa nên đăng lại vài dòng nhật kí sinh viên y. Hi vọng rằng những bạn đã hoặc đang là sinh viên y khi đọc những dòng này sẽ nhớ về những kỉ niệm, những tháng ngày mình đã cố gắng thế nào dưới mái trường y để luôn giữ được nhiệt huyết, lòng yêu nghề, không ngừng rèn luyện y đức và chuyên môn để hoàn thành thật tốt sứ mệnh của mình trong công cuộc bảo vệ sức khỏe nhân dân. ❤️
Nhật kí sinh viên y…
Hình như bất cứ khi nào bạn bè hỏi thăm tình hình, câu cửa miệng của nó luôn là: mệt lắm, vất vả lắm, sợ lắm,… thôi thì đủ thứ “lắm” trên đời. Các bạn nó học trường khác vừa học vừa chơi, còn chúng nó sáng học, chiều học, đêm đi trực, thi cử quanh năm – sinh viên y chẳng phải vất vả nhất là gì. Đi học lâm sàng, phải tiếp xúc với máu, mủ, đờm nhớt, phân, nước tiểu,…; hàng ngày gặp gỡ những bệnh nhân lao, HIV, viêm gan B… nguy cơ lây bệnh cao – không sợ sao được. Nhưng mà, cứ mệt với sợ thì chắc chẳng có nhân viên y tế, cũng chẳng còn cái bệnh viện nào nữa, và lúc đó, chắc người bệnh sẽ chết vì bị kì thị trước khi bị căn bệnh của mình hủy hoại…
Đã bao giờ nó kể với bạn bè, người thân rằng nó đi học vui ơi là vui chưa nhỉ?
Những năm mài đũng quần dưới mái trường y, kỉ niệm đọng lại trong nó cũng nhiều lắm!
Năm nhất…
Trước ngày nhập học, nó tưởng tượng chỗ ở của nó trong kí túc xá sẽ là cái giường ở tầng 2, cạnh cửa sổ để nó được ngắm bình minh mỗi sáng và ngắm sao mỗi đêm, dưới những chắn song cửa sổ, nó sẽ chọn một chậu xương rồng đẹp nhất đặt nơi đó để bầu bạn.
Nhưng hỡi ôi, cái ngày nhập học, giấc mộng của nó cũng tan tành theo mây khói. Căn phòng kí túc xá của nó sao mà nhỏ thế (chừng 9m2), có vỏn vẹn hai cái giường đôi và một chiếc bàn sắp bị gãy chân. Cái giường ở tầng 2 sát trần nhà nên chỉ ngồi học được thôi, đứa cao như nó mà leo lên đó là bị biêu đầu như chơi.
Ác mộng nhất với những sinh viên chân ướt chân ráo khi mới đặt chân tới kí túc xá là khoản nước non. Phòng nó, 4 đứa năm nhất, toàn ngố tàu cả. Những ngày đầu, nước uống không có, nghe giang hồ đồn đại quy định của kí túc xá là không được nấu nướng, kể cả nước uống cũng không, vậy là, 4 đứa nó phân công nhau đi hứng nước. Mà cái bình nước dưới sân có thương tình cho mấy “con nai vàng ngơ ngác” như chúng nó đâu, nước cứ chảy tong tong từng giọt. Có khi đứng hàng giờ đồng hồ dưới cái nắng gắt giữa trưa hoặc làm bạn với lũ muỗi mỗi đêm vì chai nước của cả phòng. Thế mới cảm nhận được “niềm hạnh phúc lớn lao” mỗi khi nghe tiếng bước chân của một mem đem theo chai nước về đến cửa. Có lẽ, xưa nay, chưa bao giờ nó thấy nước lại “ngon” đến thế.
Còn nữa, từ bé đến lớn, bất kể mùa đông hay mùa hè, nó chưa từng một lần tắm nước lạnh, tắm mưa cũng không. Thế mà, sau mấy ngày đầu tiên ở kí túc xá, cắn răng chịu đựng những gáo nước lạnh mỗi ngày, nó ốm. Đó là trận ốm đầu tiên khi xa nhà, buồn ơi là buồn.
Vào kí túc xá mới biết đến đủ thứ quy định và cũng lần đầu tiên chúng nó học cách tự lập, tự lo cho bản thân. Được cái, ở kí túc xá thì ko cần dùng tới đồng hồ báo thức, sáng nào chúng nó cũng giật mình tỉnh giấc bởi tiếng xô chậu loảng xoảng, tiếng gọi nhau í ới. Muốn múc nước thì phải dậy thật sớm và xếp hàng. Giữa trưa đang ngủ nghe thấy tiếng nước chảy cũng phải bật dậy ra canh nước. Có khi muộn giờ tới lớp cũng vì… nước.
Có nước bơm lên tận tầng 5 được là may lắm rồi. Vất vả nhất là những ngày mất nước, bốn đứa xô chậu nối đuôi nhau xuống bể lớn dưới sân gội đầu, giặt giũ lúc 1h, 2h đêm. Có lẽ, thời gian đó cả lũ được rèn luyện thể lực nhiều nhất bởi việc xách nước qua một cái sân rộng, rồi ì ạch hai tay hai thùng nước lên tận tầng 5 là việc như cơm bữa hàng ngày (tất nhiên sức chúng nó được hai nửa xô là giỏi lắm rồi). Hôm nào tham lam múc nước đầy đầy hơn chút thì lại được dịp đếm từng bậc thang, cả lũ leo vài bậc lại ngơi nghỉ, lau mồ hôi và động viên nhau “Cố lên!”.
Sống ở kí túc xá một thời gian, khi đã chẳng còn hứng thú với những bữa cơm căng-tin, chúng nó học tập các chị phòng bên thực hiện chiến dịch nấu chui. Mỗi lần đi chợ về, nào rau, nào đậu, nào thịt… cứ dấm dúi, lấm lét chạy thật nhanh lên phòng sợ các bác quản lý kí túc xá tóm được.
Một năm, kí túc xá có tổ chức kiểm tra và chấm điểm một đợt. Lại nhớ cái cảm giác các phòng tán loạn “chạy giặc” mỗi buổi tối có đoàn kiểm tra tới. Nào là sục, nồi, niêu, xoong, chảo… túm lại cứ đồ nào dùng điện “bất hợp pháp” là phải giấu lẹ kẻo các bác ý túm được thì coi như xong. Nhớ lần đầu tiên “thanh tra” bất ngờ gọi cửa, cô bạn nó sợ quá, đang ngủ liền bật dậy, nhảy từ giường tầng 2 xuống đất, ôm chăn chạy vào nhà tắm trốn, còn nó một mình tim đập chân run ở ngoài làm bia đỡ đạn. Hic.
Đã ở kí túc xá thì không thể quên được “lũ bạn thân thiết” của sinh viên là… chuột. Chuột đâu đâu cũng có, con nào con nấy béo núc ních, lông rõ mượt mà. Làm mọi biện pháp chống không được tụi nó cũng đành sống chung với chuột. Biết vậy, nên bọn chuột cứ nhởn nhơ lai vãng mọi nơi mà chúng muốn. Nhiều khi chúng lượn qua lượn lại trước mặt và nhìn mấy đứa bằng đôi mắt “âu yếm” rồi lại thong dong dạo qua phòng khác.
Có lần, cả phòng đang học bài, bỗng cô bạn hét thất thanh bởi có một “anh chuột” vừa nhảy vào lòng nó. Cũng có đêm ôn thi, cô bạn giường trên ngủ quên không bỏ màn, được dịp “anh chuột” nhà ta làm vài điệu Valse trên dây điện rồi tung tăng lướt qua lướt lại cái đuôi trên trán cô bé. Không ai dám lên tiếng vì lo con bé biết sẽ ngất vì sợ.
Những ngày cả phòng về quê thì hỡi ôi sách vở, rau quả, mì tôm, gia vị,… chuột xơi được hết.
Bây giờ, nó nhớ cả lũ chuột nữa, kì ghê!
Kỉ niệm với kí túc xá, với phòng 30 thân yêu thì nhiều lắm. Kí túc bây giờ đẹp như khách sạn và văn minh hơn rồi, wifi về tận từng phòng, chẳng phải là xứ mù như ngày nó ở đó năm nhất nữa. Giờ nhắc lại chuyện ngày nó đi học mà cứ như cổ tích, giống hệt mấy bộ phim truyền hình về kí túc xá sinh viên ngày xưa. Những ngày ấy, nó sẽ mãi không quên, không quên những người bạn thân thiết với nó – những người bạn tốt nó đã may mắn được quen ở căn phòng nho nhỏ ấy.
“Là sinh viên thì phải nếm hết mùi sinh viên mới được” – nó nghĩ thế và đã đăng kí đi dạy thêm. Ba buổi một tuần một mình nó lọc cọc đạp xe buổi tối vào dạy cho một bé ở đường Thiên Lôi. Lúc đầu nghe mọi người kể nhiều sự tích về con đường này, nó cũng thấy “tính mạng mình bị đe dọa” dữ lắm, nhưng vì vụ đi chơi hè với lũ bạn thân thì phải cố kiếm tiền. Cảm giác lần đầu tiên làm ra đồng tiền bằng sức lao động của mình sao vui và hạnh phúc thế. Nhờ những ngày ấy, nó càng biết quý trọng đồng tiền và sức lao động hơn.
Sống là để trải nghiệm – nó đã ngẫm ra điều này và cảm thấy vô cùng thích thú.
Dạo đó đến lớp học ngày nào nó cũng chọn cho mình chỗ ngồi ở bàn cuối và gần cửa, vừa yên tĩnh, vừa mát. Việc làm quen với bạn bè trong lớp thật khó khăn vì lớp nó trầm lắm. Còn nó thì, xưa nay quen có nhiều bạn bè, quen được sống vui vẻ rồi, vậy mà… tự nhiên không bạn bè, không người thân ở bên… cứ thấy hụt hẫng…
Ngày ngày tới lớp, vẫn ngồi ở cái bàn quen thuộc ấy, bỗng một hôm nó nhận ra, hình như, có người ngồi cạnh từ khi nào nó cũng chẳng hay. Thế là làm quen và thân nhau từ đó. Hai đứa đi đâu cũng có nhau, như hình với bóng, lúc nào cũng tíu tít không hết chuyện. Nó nhớ, ngày ấy, bạn nó cười nhiều lắm, cứ mỗi lần có chuyện buồn, nó chỉ cần nhìn và nghe tiếng cười ấy là lại thấy nhẹ lòng.
Năm nhất học các môn cơ bản. Có bao nhiều điều mới mẻ mà trước giờ nó chưa từng được nghe, được biết. Nhớ lần đầu tiên vào nhà xác học giải phẫu, thầy giáo chỉ chỉ trỏ trỏ cơ xương trên xác người thật mà chúng nó không sao tập trung được vì còn mải nắm chặt tay nhau. Bữa trưa hôm đó cũng không ăn nổi vì mùi formon của nhà xác cứ nồng nặc mãi. Phải rất lâu sau buổi học đó nó mới dám ăn món thịt bò khô và xương hầm. Hic.
Rồi dần dần, chúng nó cũng quen với những buổi thực tập giải phẫu, quen với những chiếc xương người thật và thầm biết ơn những con người đã hiến mình cho y học.
Nó còn nhớ cả cảm giác thích thú mỗi lần được học bên cái kính hiển vi nữa chứ, oai ơi là oai nhé…
Năm nhất trôi qua êm đềm như thế…
(Còn tiếp)
Ps: Bức ảnh trên được chụp vào một buổi chiều nào đó, chắc là hôm ấy tan học, thấy trời xanh mây trắng quá nên mình đã giơ điện thoại lên chụp vội một kiểu ảnh kỉ niệm. Ngày đó trường mình mang tên Đại học Y Hải Phòng, trước khi đổi tên thành Trường Đại học Y Dược Hải Phòng như ngày nay. Bây giờ trường được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất hiện đại hơn nhiều so với ngày ấy, nhưng với mình hình ảnh ngôi trường ngày xưa vẫn thân thương biết bao.
© Copyright by dieugiandi.vn (do not reup)